Site icon ALO789

Pedro Almodovar – đạo diễn vừa “rinh” Sử tử Vàng: “Cuộc sống luôn cần trí tưởng tượng”

Pedro Almodovar- đạo diễn vừa "rinh" Sử tử Vàng: "Cuộc sống luôn cần trí tưởng tượng" - Ảnh 1.

Sau 45 năm thực hiện những bộ phim tiếng Tây Ban Nha, Pedro Almodovar đã viết và đạo diễn bộ phim dài đầu tiên bằng tiếng Anh, với tựa đề The Room Next Door. Tác phẩm này đã đem về cho ông giải Sư tử Vàng đầu tiên của mình tại LHP Venice lần thứ 81 (bế mạc cuối tuần qua).

Almodovar đã 6 lần tham gia tranh giải tại LHP Cannes và cũng là khách mời thường xuyên tại LHP Venice, nhưng trước đó ông chưa bao giờ giành được giải thưởng cao nhất tại bất kỳ liên hoan phim nào với các bộ phim tham gia tranh giải. Tuy nhiên, năm 2019, ông đã được trao giải Sư tử Vàng cho Thành tựu trọn đời với sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy của mình.

Khi được hỏi về chiến thắng này, Pedro Almodovar cho biết ông chưa bao giờ bị ám ảnh bởi việc giành được giải Cành cọ Vàng hay Sư tử Vàng,ngay cả khi sự nghiệp của ông đã gắn liền với LHP Venice kể từ những bộ phim đầu tay.

“44 năm là quãng thời gian rất tươi đẹp trong cuộc đời tôi, cả về mặt nghệ thuật lẫn cá nhân, và với tư cách là một công dân Tây Ban Nha” – Almodovar phát biểu tại buổi họp báo sau lễ trao giải.

Phim The Room Next Door có sự xuất hiện của Tilda Swinton cộng sự thường xuyên của Almodovar, trong vai một phóng viên chiến trường mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, và Julianne Moore vào vai người bạn luôn ở bên cô trong những ngày cuối đời.

Mẹ là nguồn cảm hứng lớn

Almodovar sinh năm 1949 tại vùng La Mancha khô cằn ở trung tâm Tây Ban Nha. Khi 8 tuổi, gia đình đã gửi ông đến học tại một trường nội trú tôn giáo ở thành phố Caceres, miền Tây Tây Ban Nha, với hy vọng rằng một ngày nào đó ông có thể trở thành một linh mục. Và gia đình đã đoàn tụ với Almodovar tại Caceres, nơi cha ông mở một trạm xăng và mẹ ông mở một cửa hàng bán rượu vang.

Không giống như La Mancha, ở Caceres có một rạp chiếu phim. “Điện ảnh đã trở thành nền giáo dục thực sự của tôi, nhiều hơn so với nền giáo dục mà tôi nhận được từ các linh mục” – Almodovar nói.

Tuy nhiên, Almodovarđã đi ngược mong muốn của cha mẹ và chuyển đến Madrid vào năm 1967 để trở thành một nhà làm phim. Khi trường Điện ảnh Quốc gia ở Madrid bị đóng cửa, ông quyết định tự học. Để tự nuôi sống bản thân, Almodovar đã làm nhiều công việc, bao gồm bán đồ cũ ở chợ trời nổi tiếng El Rastro của Madrid và làm trợ lý hành chính cho công ty điện thoại Tây Ban Nha Telefonica, nơi ông đã làm việc trong 12 năm.

Almodovar hiếm khi nói về cha mình, người đã mất năm 1980. Mẹ là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim của ông, đặc biệt là trong kiệt tác điện ảnh năm 1999 – All About My Mother – bộ phim đã giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

“Niềm đam mê màu sắc được thể hiện trong các bộ phim của tôi là một sự phản ứng với lối sống mẹ tôi, bởi bà đã có nhiều năm sống trong đau thương và đen tối đi ngược lại với tự nhiên” – nhà làm phim từng nói.

Năm 1980, Almodovar tung ra bộ phim truyện đầu tay – phim hài Pepi, Luci, Bom And Other Girls Like Mom. Mặc dù vấp phải những đánh giá tiêu cực từ các nhà phê bình bảo thủ song bộ phim đã thu hút được một lượng người hâm mộ cuồng nhiệt ở Tây Ban Nha. Năm 1988, ông tạo bước đột phá với phim Women On The Verge Of A Nervous Breakdown, được đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Trong những năm sau đó, Almodovar đều đặn tung ra nhiều bộ phim.

Các bộ phim của ông mang đặc trưng bởi sự kịch tính, hài hước, màu sắc đậm, trang trí bóng bẩy. Ham muốn, các vấn đề về LGBT, đam mê, gia đình, tình mẫu tử và bản sắc riêng là những chủ đề được Almodovar khám phá thường xuyên nhất. Ông sớm trở thành một nhân vật quan trọng trong nền công nghiệp phim ảnh và còn là một trong những đạo diễn đầu tiên đưa các nhân vật chuyển giới vào các bộ phim của mình.

Tuy nhiên, cái chết của mẹ vào năm 1999 đã khiến Almodovar hướng nội hơn. Sự thay đổi hướng tới cá nhân, đầy bất định và cô đơn, thể hiện rõ trong những bộ phim gần đây của ông – đặc biệt là Pain And Glory (2019), bộ phim nói về một đạo diễn phim phải đối mặt với quá khứ của mình. Trong khi đó, bộ phim mới của ông, The Room Next Door lại đề cập đến bệnh tật, sự hối tiếc, gia đình và cái chết.

“Những tư liệu làm phim của tôi thường đến từ bên ngoài. Chẳng hạn từ một cuốn sách, một cuộc trò chuyện tôi nghe được, một thứ gì đó tôi thấy trên TV. Nhưng vài năm qua, tôi đã tìm đến bản thân mình nhiều hơn để lấy cảm hứng” – ông nói – “Điều tôi hiểu rõ nhất bây giờ là chính bản thân mình, là cuộc sống và nội tâm của chính tôi”.

Viết lách mới là nghề nghiệp ban đầu

Mặc dù Almodovar khiêm tốn khi nói về khả năng văn chương của mình, nhưng viết lách là nghề nghiệp ban đầu và là nghề mà ông đã theo đuổi từ những ngày đầu.

“Tôi đã muốn viết ngay từ lúc trẻ, và tôi đã nghĩ đến việc cống hiến hết mình cho văn học. Nhưng từ khi tôi khoảng 18 hoặc 19 tuổi và mua một chiếc camera, tôi đã ngay lập tức biến tất cả những ý tưởng văn học đó thành hình ảnh” – Almodovar kể – “Tôi phát hiện rằng mình kể chuyện bằng hình ảnh tốt hơn là bằng lời nói. Rất thường xuyên, tôi bắt đầu viết một câu chuyện nhưng cuối cùng nó lại trở thành một kịch bản phim”.

Điện ảnh từ lâu đã là lối thoát khỏi sự ngột ngạt của tuổi thơ tại tỉnh lẻ của Almodovar: “Cuộc sống ở đó khiến tôi kinh hoàng. Ngay từ khoảnh khắc khám phá ra điện ảnh, tôi đã khám phá ra một thực tế song song khiến tôi hứng thú hơn nhiều so với thực tế hàng ngày”.

Almodovar cũng từng kể một câu chuyện thú vị. Năm 9 tuổi, gia đình ông sống trong một thị trấn nhỏ ở Extremadura với những ngôi nhà tạm bợ bằng đất sét, những con phố dốc bằng đá phiến. Thời điểm đó, gia đình ông kiếm sống bằng cách đọc và viết thư cho những người thân, người hàng xóm mù chữ của mình.

Một lần, khi đọc qua vai mẹ mình, Almodovar nhận ra những từ ngữ trên trang giấy không tương ứng với những từ ngữ trên môi bà.

“Mẹ đã ứng biến và nói những điều không có trong thư. Ví dụ, nếu mẹ nhận thấy rằng không ai hỏi thăm bà ngoại trong thư, mẹ sẽ đọc: ‘Tôi hy vọng bà ngoại vẫn khỏe và biết rằng tôi nghĩ về bà ấy rất nhiều” – ông kể.

Khi về nhà, Almodovar hỏi tại sao mẹ lại bịa ra lời hỏi thăm như vậy. Bà nhìn Almodovar và trả lời: “Con có thấy bà ngoại được hỏi thăm vui thế nào không?”.

Vào thời điểm đó, Almodovar bị sốc bởi lời nói dối. Nhưng, khi những năm tháng trôi qua và ông bắt đầu viết truyện bằng máy chữ mà mẹ tặng khi ông 10 tuổi, ông đã hiểu được ý nghĩa của hành động của bà.

“Tôi nhận ra rằng mẹ đã dạy tôi một bài học lớn, rằng cuộc sống cần có sự hư cấu để khiến nó trở nên dễ chịu hơn. Chúng ta cần có trí tưởng tượng để có thể sống tốt hơn một chút”.

Sự thật mà mẹ Almodovar truyền đạt ngày hôm đó nằm ở cốt lõi của El Ultimo Sueno – tập truyện ngắn kiêm hồi ký của ông đã được xuất bản bằng tiếng Anh với tựa đề The Last Dream.

The Last Dream gồm hàng chục câu chuyện, là những lát cắt về sự phát triển của Almodovar với tư cách là một con người, một nhà văn và một nhà làm phim. Không đủ kiên nhẫn và khuynh hướng viết tự truyện, Almodovar đã chọn cách cung cấp cho người đọc một chuyến tham quan nhanh chóng và lập dị về ký ức và trí tưởng tượng của ông.

Pedro Almodovar đã nhận được nhiều giải thưởng. Bên cạnh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất với All About My Mother (1999) và Kịch bản gốc hay nhất với Talk To Her (2002), ông còn “rinh” 5 giải BAFTA, 2 giải Emmy, 2 giải Quả cầu Vàng và 9 giải Goya (giải thưởng điện ảnh chính của Tây Ban Nha).

Ông còn được trao Bắc đẩu Bội tinh của Pháp năm 1997, Huy chương vàng về công trạng trong lĩnh vực mỹ thuật năm 1999, giải Thành tựu của Viện Hàn lâm Điện ảnh châu Âu năm 2013. Almodovar cũng đã nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Harvard năm 2009 và từ Đại học Oxford năm 2016.

Exit mobile version